Ngành xây dựng khó khăn chồng chất
Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều đang bị chủ đầu tư nợ tiền
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn khó khăn, hầu hết các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công.
Khó chồng khó
Câu chuyện HĐQT Công ty CP Licogi 166 (DN có 60% doanh thu đến từ xây lắp) vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15-3-2023 đến 14-3-2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty lý giải việc ngừng kinh doanh nhằm mục đích tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Các cổ đông cũng đã đồng ý với quyết định tạm dừng hoạt động của HĐQT và cho phép công ty tiến hành thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
“Công ty không còn khả năng hoạt động, người lao động đã nghỉ việc nên không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Thực tế, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2019 vì không có việc, ít dự án và tài chính khó khăn. Một số dự án triển khai thì vướng mắc pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư, vì vậy công trình tồn đọng kéo dài… Cộng với 2 năm đại dịch khiến hoạt động công ty trì trệ, khánh kiệt và nợ ngân hàng đã bị sang nợ xấu từ tháng 7-2021” – đại diện lãnh đạo Licogi 166 lý giải.
Trước đó, dư luận trong ngành xây dựng, BĐS cũng xôn xao thông tin nhóm nhà thầu phụ đang thi công các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu gửi công văn yêu cầu thanh toán công nợ từ tháng 7-2022 đến nay. Nếu không được thanh toán, các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng.